Diệt chuột hại lúa một cách triệt để trên đồng ruộng
Diệt chuột hại lúa
Bạn lo lắng khi đồng ruộng có dấu hiệu phá hại của chuột? Bạn không biết cách nào để có thể bảo vệ mùa màng khỏi loài động vật có hại này? Bài viết này sẽ mang đến những biện pháp diệt chuột hại lúa hiệu quả mà bạn không thể bỏ qua.
Tại sao phải diệt chuột hại lúa
Chuột chủ yếu hoạt động và phá hại vào ban đêm. Trên ruộng, chuột có thể gây hại vào bất cứ giai đoạn nào của cây lúa, nặng nhất vào giai đoạn trổ, lúc này chúng ăn đòng non (có vị ngọt) hay cắn ngang hạt lúa. Trong nhiều trường hợp, chuột cắn phá nhiều hơn là ăn. Hơn nữa chuột sinh sản nhanh, khi gặp điều kiện thuận lợi thì số lượng chuột tăng gấp bội và gây hại nghiêm trọng. Vì vậy rất cần những biện pháp hữu hiệu để tiêu diệt loài vật phá hoại này.
Để diệt chuột hại lúa trên đồng ruộng một cách triệt để, chúng ta không thể chỉ sử dụng một biện pháp đơn lẻ nào mà cần phải áp dụng kết hợp nhiều biện pháp một cách hợp lý trong quy trình quản lý tổng hợp mới mong giải quyết được.
1. Biện pháp phòng chống chuột hại lúa
Hiện tượng chuột gây hại ruộng lúa cần phải được chú ý và có biện pháp giải quyết sớm và liên tục trên cả cánh đồng. Điều này sẽ giúp hạn chế sự sinh sản của chuột và giảm rất lớn số lượng chuột gây hại trong sản xuất. Nếu trong vụ này mà bị chuột gây hại nhiều trên diện rộng, thì ngay cuối vụ cần phải có kế hoạch để diệt trừ chuột, đề phòng chuột tiếp tục gây hại ở vụ sau. Những việc cần làm để phòng chống chuột:
– Cần tổ chức xuống giống và thu hoạch đồng loạt, để thuận lợi cho việc phòng trừ.
– Không nên gieo nhiều giống lúa có thời gian sinh trưởng khác nhau, và nhiều loại cây trồng trên cùng cánh đồng, để không có nguồn thức ăn liên tục và nơi cư trú an toàn cho chuột.
– Triệt tiêu nơi trú ẩn, sinh sống của chuột bằng cách phát quang bụi rậm, không để ruộng hoang, phá ổ chuột tại các bờ ruộng ngay sau khi thu hoạch vụ trước.
2. Các biện pháp kỹ thuật diệt trừ chuột hại lúa
Khi phát hiện có hiện tượng chuột cắn phá gây hại thì cần áp dụng đồng thời nhiều biện pháp kỹ thuật cùng một lúc thì mới có hiệu quả cao. Các biện pháp cần tới bao gồm:
Biện pháp canh tác
Một điều quan trọng khi diệt chuột hại lúa hiệu quả đó là phải loại bỏ nơi cư trú của chuột bằng cách kiểm tra và phá hủy những nơi chuột trú ẩn. Có thể lợi dụng tập tính không đi lùi và tìm chỗ chui khi có vật cản của chuột để dùng nilon bao xung quanh ruộng và đặt lồng để bắt chuột. Nếu có nước thì có thể giữ ở mức cao trong giai đoạn lúa làm đòng và trổ để gom chuột lên chỗ cao rồi tổ chức săn bắt.
Xuống giống tập trung gọn thời vụ, để hạn chế nguồn thức ăn cho chuột có mặt liên tục trên đồng ruộng. Không nên để đất hoang hóa hoặc gò đống nằm xen kẽ trong cánh đồng lúa, không nên đắp bờ đê quá lớn, mọc nhiều cỏ dại… để hạn chế nơi ẩn náu và sinh sản của chuột.
Biện pháp thủ công
Trước khi xuống giống, trên đồng ruộng thường thiếu thức ăn, chuột bị đói. Đây là thời điểm thích hợp để tranh thủ đặt các loại bẫy để nhử diệt chuột.
Có nhiều cách bắt diệt chuột hại lúa mà bạn có thể dễ dàng thực hiện như đào hang, đổ nước, hun khói, xông hơi bằng đất đèn (khí đá), đốt rơm trộn ớt khô… Bạn cũng có thể mua viên thuốc xì gà diệt chuột rất tiện dụng và hiệu quả. Trước tiên, bịt các ngóc ngách, rồi đốt một viên xì gà bỏ vào hang, thuốc bốc khói có lưu huỳnh xông vào hang khiến chuột bị ngạt thở rồi chết. Cách này có ưu điểm là diệt chuột được cả hang, không gây ô nhiễm lại rất dễ thao tác,…
Dùng các loại bẫy để bắt như bẫy bán nguyệt, bẫy lồng sập, bẫy dính… Vì chuột là động vật rất tinh khôn nên cần ngụy trang cẩn thận như dùng mồi nhử thích hợp (khoai lang, sắn tươi, ngô, cua, cá,…) đặt bẫy sát bờ ruộng, ở những nơi có chuột thường qua lại.
Biện pháp sinh học
Dùng bả diệt chuột sinh học BCS, Biorat hoặc KillRat 0,005% đặt nơi có chuột thường qua lại, khoảng 5 – 6 m đặt 1 mô bả, mỗi mô bả khoảng 5-10 gam, số mô bả và lượng bả cần linh động tăng giảm theo mật độ chuột và mức độ gây hại.
Biện pháp hoá học
Các loại thuốc như Storm, Rat K 2%D, … có tác dụng diệt chuột rất tốt. Lưu ý các chất hóa học này có thể gây hại đến con người và các vật nuôi khác, vì vậy chỉ sử dụng bả thuốc hoá học ở những nơi xa khu dân cư, nơi đang bị chuột phá hại trầm trọng.
Chuột có thói quen là nếm thử thức ăn có độc hay không, do đó cần đặt bả mồi không có thuốc liên tiếp 3 – 5 ngày để đánh lừa, làm chuột mất cảnh giác, sau đó thì dùng bả mồi có dùng thuốc.
Cách sử dụng: Dùng thức ăn mà chuột ưa thích như tấm, cám, gạo, bột gạo, bột bắp, cua cá nướng, cá chiên… trộn với thuốc diệt chuột Zinphos 20% hoặc Fokeba 20% để làm mồi diệt chuột. Sau khi trộn xong, đem đặt thành từng mô ở những nơi chuột thường qua lại, tùy theo mật độ và mức độ gây hại của chuột mà tăng hoặc giảm lượng mồi bả cho phù hợp. Thông báo cho người dân biết nơi có đặt bả mồi độc, thu gom mồi thừa và xác chuột chôn cẩn thận để đảm bảo an toàn cho người và môi trường.
Quý khách có nhu cầu diệt chuột hại lúa mà chưa biết phải làm thế nào , hãy gọi điện để An Nam pest control hỗ trợ.
>>> Xem thêm: Cách diệt chuột trong nhà hiệu quả
>>> Đánh giá bài viết: